Sứ Vạn Ninh - Móng Cái

06/04/2016 13916
Là dòng gốm được sản xuất tại vùng đất Móng Cái. Đây là dòng gốm do người Hoa Kiều sản xuất trực tiếp tại Việt Nam với nguồn đất và kỹ thuật Trung Quốc. Tới nay, sứ Vạn Ninh đã mai một thất truyền nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn lôi cuốn với những người sưu tầm gốm sứ. Chính vì xuất phát từ nhu cầu này, làng gốm Bát Tràng đã và đang phục chế dòng sản phẩm này nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Khu lò gốm sứ Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được hình thành khá đặc biệt, không giống bất cứ một khu lò gốm nào đã biết trong lịch sử gốm sứ Việt Nam. Khu gốm sứ Móng Cái không những chủ lò và thợ chủ yếu là người Hoa, nguyên liệu chủ yếu cũng mua từ Trung Quốc mà kỹ thuật sản xuất cũng theo truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm sứ Hoa Nam.

Cho đến nay, có thể nói khu vực sản suất gốm sứ Móng Cái hầu như đã bị xoá sổ hoàn toàn. Song dựa vào những đợt điều tra trước đây của SFA tại Móng Cái cùng các cuộc tiếp xúc với những cán bộ kỹ thuật cùng công nhân đã từng làm việc tại đây, và đặc biệt là các cuộc ngược xuôi tham quan tìm hiểu các trung tâm gốm sứ Hoa Nam như Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, Đức Hoá ở Phúc Kiến, Tiểu Giang, Long Môn ở Quảng Tâyv.v. đã giúp chúng tôi có thể hình dung được các khâu kỹ thuật trong quá trình sản xuất gốm sứ Móng Cái. Dưới đây là những tài liệu do ông Nguyễn Xuân Quảng - trưởng phòng kỹ thuật của Xí nghiệp gốm sứ Móng Cái cung cấp. Gia đình ông là một gia đình trong số ít ỏi người Việt tham gia làm việc tại lò sứ Móng Cái từ trước năm 1954.

1.Chế biến đất:

Để có đất cho sản xuất, các chủ lò tư nhân nào cũng có một đội lao động khoẻ, khâu làm đất hầu hết do nam giới đảm nhiệm. Thường có khoảng từ 25-40 người tuỳ theo quy mô của từng chủ lò. Đội này lao động chủ lực này được gọi là trường công. Trong đó có một người chỉ đạo toàn bộ công việc được gọi là đầu công. Những người lao động trường công này được chủ lò nuôi ăn hàng ngày, được tắm nước nóng. 

Các khâu làm đất gồm có: Phơi đất; dầm đất; nghiền đất; lọc rửa đất…

Phơi đất: Đất sét và cao lanh được phơi riêng từng sân phơi phía trước nhà sản xuất của thợ tạo hình. Chiều rộng của sân thường từ 4m; chiều dài từ 20-30m. Đất gánh về rải đều khắp sân; đất được vằm nhỏ phơi trong ngày. Cứ đến tầm 3h chiều đội trường công dùng trục đá lăn trên đất để đất được nghiền nhỏ. Sau đó thu gom lại cho vào kho hoặc mang đến nơi lọc rửa đất.
Lọc đất: Đất lọc rửa phải qua cân đúng tỉ lệ sét và cao lanh. Sau đó đổ xuống bể lọc. Đất được dầm và khuấy đục, dùng gầu để tát lên máng chảy xuống các bể lọc. Thường bể lọc có 5 ô chưa đất, trong khi tát thường xuyên có người khuấy dầm đất đục lên cho người tát. Khi thấy nước chảy đến ô cuối cùng thì ngừng tát. Để nước trong các bể trong trở lại mới tát.
Đạp đất: Đường kính khu đạp đất từ 3-4m vuông. Đầu tiên, người thợ gánh những đám đất thừa được tiện ra từ các sản phẩm sứ. Mang về quây tròn nơi đạp đất. Sau đó, gánh đất đã được lọc từ các bể đổ vào giữa. Đạp một mẻ đất cần từ 4-5 thợ.
Dùng xẻng phẳng bằng sắt để xúc và đánh đất. Xúc đất thải rải từ ngoài vào trong cho đều, phủ kín đấy hồ bên trong. Các thợ đạp đất đi vào giữa, đạp lần lượt xung quanh, đạp từ ngoài vào trong. Sau đó thợ dùng xẻng xúc đất từ bên ngoài đắp vào giữa để đống đất cao lên, dung chân đạp đất từ ngoài vào trong để đống đất dàn mỏng, rộng và thấp xuống, rồi tiếp tục xúc lên, làm đi làm lại từ 6-7 lần cho đến lúc đất mịn và dẻo.

        Đất làm xong, được các thợ tạo hình đến lấy mang về bệ của mình. Đất được các thợ tạo hình dùng tay để đánh và đập lại một lần nữa, đủ tiêu chuẩn sẽ được sản xuất ngay.

2 - Chế tạo men


        Cách chế tạo men của các chủ lò sứ Móng Cái từ trước năm 1954 hầu như có công thức giống nhau. Mỗi chủ lò đều có nhà để nung đốt, được chia làm 2 buồng đốt, chiều cao buồng nung 2m, rộng 3m sâu 5m. 

        Vôi bột và trấu do đầu công quy định. Vôi bột được rải đều xuống dưới từ trong ra ngoài, rồi rải đều trấu lên trên, dung lửa đốt cháy đều mặt trên, để trấu cáhy âm ỉ. Phải mất 7 ngày đêm mới cháy hết. Khi trấu cháy hết và nguội co 3 thợ trường công vào đảo trộn vôi và gio trấu cho đều. Trộn xong, thu gọn vào phía trong buồng đốt. Sau đó gánh đến sân nghiền. Sân nghiền được làm thấp từ 0,5m – 0,6m.         Đường kính rộng 4m so với mặt đất, được láng bằng xi măng bong sạch. Đường kính ngoài của sân hạ xuống 10cm, rộng 30cm để tạo rãnh cho bánh đá nghiền. Dùng bò để kéo bánh đá cháy vòng quanh sân. Công việc nghiền vôi trấu thường do các ông bà già đảm nhiệm, chủ yếu trông cho bò đi đều, thi thoảng đảo đều cho bò nghiền. Vôi trấu đủ nhỏ theo yêu cầu, được chuyển đi để nghiền mẻ sau.

        Vôi trấu đã nghiền, được đổ vào bể chứa, đổ đầy nước vào bể, đánh ta cho đều, dung lưới hớt những tạp chất trên bề mặt nước, ngâm qua đêm. Sau đó tháo gần hết nước rồi đánh đều cho việc lọc men.

        Trước khi lọc men, đặt dây lọc men bằng lưới đồng trên bệ lọc bên cạnh, múc men đổ lên lưới lọc. Trong quá trình lọc, nêu slưới bị chùng xuống men, thì đem dây lọc đi rửa rồi lọc tiếp. 

        Lọc xong, men được đánh đều để thử nồng độ của men bằng cách: nhúng bàn tay xuống bể men, rồi nhấc lên, xem long bàn tay, nếu không thấy lông bàn tay bàn tay, hoặc lông bàn tay mờ là men đặc. Nếu thấy rõ lông bàn tay là men loãng. Nhiệm vụ của đầu công là kiểm tra và điều chỉnh cho vừa rồi mới gánh men cho thợ tráng men.Nhận định bước đầu về dòng sứ Móng Cái 
        Vài chục năm trước, những ai có dịp đến thị xã Móng Cái, cách vài cây số đã có thể nhìn thấy những cột khói lò gốm sứ bay cao, lại gần có thể nhìn thấy những lò gốm dài hàng mấy chục mét nằm dốc nghiêng ven các sườn đồi, những ru lô nghiền nguyên liệu, những hệ thống bể lọc đất cùng hàng đống mảnh sứ phế phẩm ven đồi, dấu tích của một khu sản xuất gốm sứ ven bờ sông Ka Long, sát ngay biên giới Việt Trung. Ngày nay, những toà nhà cao tầng đã mọc lên, xoá gần như sạch những dấu tích về một trung tâm gốm sứ nổi danh một thời.

        SFA đã tiến hành nhiều cuộc điều tra khu lò gốm sứ Móng Cái trong một thời gian khá dài; khảo sát ở những địa danh liên quan như Đầm Hà, Quảng Yên, Đông Triều và tham quan các trung tâm gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Đức Hoá (Phúc Kiến), Tiểu Giang, Long Môn (Quảng Tây) nhằm làm sáng tỏ dòng gốm sứ Móng Cái đã một thời khá nổi tiếng khắp đồng bằng Bắc bộ cũng như cả nước...

 

Đây là một số nhận xét sơ bộ:

1- Các nhà sưu tập cổ vật thường gọi những đồ sứ này là sứ Vạn Ninh, người dân thường gọi là đồ sứ Móng Cái, các nhà nghiên cứu gốm sứ thì gọi là sành trắng Móng Cái. Phần lớn đồ sứ kích thước tương đối lớn ỏ đây đều có khoản thức, trong đó đa phần ghi là Ninh Châu, một số ghi là Hải Ninh, không có một khoản thức nào ghi Vạn Ninh. Rất có thể Ninh Châu tức là Hải Ninh. Theo chúng tôi nên gọi đồ sứ này là sứ Móng Cái để tránh nhầm lẫn. Sở dĩ giới sưu tầm cổ vật gọi là sứ Vạn Ninh, vì người Vạn Ninh (cách Móng Cái khoảng 7km) lấy hàng từ Móng Cái chở vào bản khắp vùng đồng bằng Bắc bộ.

2- Khu lò gốm sứ Móng Cái do các chủ lò và thợ gốm người Hoa sang Móng Cái dựng lò lập nghiệp từ nửa sau thế kỷ XIX và phát triển mạnh vào nửa đầu thế kỷ XX. Trên một số khoản thức đồ gốm ở đây có ghi một số niên hiệu như Khang Hy, Thuận Trị, Đồng Trị, Quang Tự. Những niên hiệu Thuận Trị, Khang Hy viết trong các khung vuông ở dưới đáy không giống với cách viết các khoản đề trên đồ sứ Móng Cái ở đây và dưới các triều đại thời Thanh sơ việc sản xuất gốm sứ khu vực Hoa Nam phát triển rất ổn định, ít có các cuộc di dân của thợ gốm sứ xuống phía nam, nên chúng tôi cho rằng đó là các khoản thức tượng trưng. Các khoản thức Đồng Trị, Quang Tự được viết thành hàng trên vai sản phẩm cùng với những biến động của xã hội vào thời cuối Thanh nhất là với cuộc chiến tranh nha phiến và cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc làm cho nền kinh tế, xã hội khu vực Lưỡng Quảng biến động mạnh, bọn quân phiệt nổi lên chém giết lẫn nhau, làm cho công việc sản xuất gốm sứ khu vực này gặp nhiều khó khăn, nên một bộ phận đã sang Móng Cái dựng lò lập nghiệp. Nếu đúng như vậy thì khu lò gốm sứ Móng Cái đã tồn tại trong khoảng 130 năm.

3- Khu lò gốm sứ Móng Cái cả chủ lò lẫn thợ gốm hầu như đều là người Hoa. Qua so sánh truyền thống kỹ thuật sản xuất cũng như tìm hiểu tình hình xã hội và nhất là các đợt di dân của người Hoa Phúc Kiến, có ý kiến cho là người Hoa từ Phúc Kiến đã trực tiếp xuống dựng lò lập nghiệp ở Móng Cái. Gần đây, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với những Hoa kiều vốn là công nhân gốm sứ Móng Cái trở về Trung Quốc hiện tập trung ở Bắc Hải và Tiểu Giang thuộc tỉnh Quảng Tây thì có thể nói phần lớn những lớp chủ và thợ đầu tiên đến Móng Cái lập nghiệp là từ trung tấm gốm sứ Tiểu Giang, Long Môn thuộc huyện Phổ Bắc. Đây là khu vực có sẵn kao lanh, trường thạch, thạch anh và cách Móng Cái không quá 200km, lại có đường thuỷ đi lại thuận tiện.

4- Khu lò gốm sứ Móng Cái không những sản xuất theo truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm sứ Hoa Nam, mà nguyên liệu chủ yếu như kao lanh, trường thạch, thạch anh, cô ban đều mua từ Trung Quốc (Chỉ đến khoảng năm 1965 mới khai thác kao lanh ở Mạo Khê).

Lò nung thuộc loại lò bầu, tức là lò rồng, có các buồng lò riêng biệt nối tiếp nhau dài khoảng 20 – 80m, có khoảng 18 – 20 buồng lò, Lò này thuộc giai đoạn lò có nền dốc, chiều ngang rộng, đến giai đoạn chuyển về Quảng Yên thì đã có cải tiến chuyển sang lò rồng nhiều buồng bậc cấp. Với lò rồng, mỗi lần nung đượ hàng trăm ngàn xản phẩm. Với lò sứ Móng Cái, lần đầu tiên lò rồng nung gốm được tiến hành ở Việt Nam, sau đó mới phát triển vào Bát Tràng và Cây Mai vào đầu thế kỷ XX.

5- Tuy thuộc truyền thống kỹ thuật sản xuất gốm sứ khu vực Hoa Nam, và công nhân chủ yếu là người Hoa nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu lại là Việt Nam, mà chủ yếu là đồng bằng trung du Bắc bộ nên sản phẩm rtừ kiểu dáng, màu men đến hoa văn trang trí, tuy có dấu ấn của truyền thống Hoa Nam, song vẫn dễ dàng phân biệt với cùng loại đồ sứ Hoa Nam Trung Quốc, và cũng khác với gốm Bát Tràng cùng thời.

Về chủng loại chủ yếu vẫn là đồ dùng hàng ngày như ấm chén, bát đĩa, ấm tích, liễn, âu, lọ, gối, đèn, bình vôi, điếu nhưng đáng chú ý ở đây có một số lượng đáng kể sản phẩm có kích thước lớn như choé, bình, chum, đôn, thống,v.v. Một số nhà nghiên cứu gốm sứ ở Cảnh Đức Trấn đã ngạc nhiên khi nhìn thấy những sản phẩm kích thước lớn này, đã nói rằng nếu ở Trung Quốc thì đây là sản phẩm của “lò Tướng Quân”.

Về kiểu dáng, bên cạnh những cái chung cũng có những nét riêng, chẳng hạn choé thì núm trên nắp hình mủ rộng vành có hình sin dưới bằng, mà không phải hình búp sen như ở choé Móng Cái hay choé đồ sứ Trung Quốc, hoặc trên vai choé Móng Cái bao gìơ cũng có 4 tượng đầu thú hai tai xoè rộng, không vẽ lam, còn trên choé Bát Tràng và choé sứ Trung Quốc chỉ một số ít có tượng đầu thú, nếu có thì hai tai không xoè rộng, đôi khi lại ngậm vòng và thường vẽ màu lam. Không phải chỉ có choé mới gắn tượng đầu thú, một số bình, lọ, âu, liễn, đôn, chum cũng gắn một đôi tượng đầu thú giống như ở choé.

Về màu men, có thể là do hàm lượng tạp chất trong phối liệu men nên màu men của sứ Móng Cái không trắng trong hay trắng đục, cũng không phải màu xanh nghọc thạch, mà là màu trắng phớt xanh, có người gọi là màu ngọc nhạt, rất đặc trưng. Màu hoa trang trí chủ yếu là màu lam với các sắc độ đậm, nhạt, tươi, sẫm khác nhau được tạo ra bằng màu xanh cô ban. Ngoài ra cũng có một số vẽ màu, nhưng rất hiếm, thường có màu ngọc thạch, màu nâu và màu đỏ

Về hoa văn trang trí, có thể cũng nằm trong truyền thống trang trí đồ sứ Hoa Nam, bên cạnh bức tranh thường có một vài lời ngắn gọn, súc tích hay một bài thơ 4 câu có tính chất minh hoạ, theo kiểu “ thư hoạ đồng nguyên”. Chẳng hạn bên cạnh bức tranh Lý Bạch uống rượu thì có 4 chữ Hán “ Lý Bạch ẩm tửu”, hay bên cạnh bức tranh Bao Công có người cầm quạt theo hầu có 4 chữ Hán “Chính trực vô tư”.

Còn về nội dung thì cực kỳ phong phú, ngoài các bức tranh vẽ phong cảnh, sơn thuỷ lâu đài, các loại hoa điểu như hoa sen, cúc, mẫu đơn, phù dung, mai, tùng, trúc, chim trĩ, chim sẽ, chim công, chim ưng, hạc, còn có tứ linh rồng, phượng, lân, rồng. Đáng chú ý là nội dung các bức tranh thường có ý thức đạo giáo, nho giáo và các văn nhân nho sĩ nổi tiếng trong lịch sừ Trung Quốc, và khá nhiều bản vẽ là minh hoạ các sự kiện , các điển cố trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu mộng, v.v.
Chẳng hạn về đạo giáo có bát tiên quá hải, bát tiên quân kỳ, tam tiên luyện đan, Chúc thọ Tây Vương Mẫu. Về nho giáo có Khổng Tử, có các vị tiên hiền như Lý Bạch, Tô Đông Pha, Bá Nha - Tử Kỳ.Về Tam Quốc chí có kết nghĩa vườn đào, tam cố thảo lư, Quan Vân Trường cứu A Đẩu, có Hồng Môn yến,v.v. Có cả tam giáo đồng nguyên vẽ cảnh ba vị Khổng Tử, Lảo Tử, Thích Ca Mâu Ni cùng uống chung một chum nước,v.v.

Cách ghi khoản thức cũng rất đặc trưng, thường có các dòng ghi địa danh như Ninh Châu, Hải Ninh;dòng ghi lò sản xuất như Dụ Thịnh Long, Phục Hưng, Quảng Sinh Long, Hựu Thành, Thịnh Ký,v.v; dòng ghi ngày tháng năm; vài dòng ghi vài chữ, vài câu có tính chất minh hoạ cho bức tranh. Có khoản thức còn ghi ai viết, vẽ theo bức tranh nào, ở đâu.

Đáng chú ý là một số sản phẩm dưới đáy hoặc vai còn ghi một số ký hiệu như con số VI, chữ +, các chữ Pk, Ta, v.v. Và chính chúng đã trở thành một trong những tiêu chí đặc trưng cho sứ Móng Cái.

Cái độc đáo của sứ Móng Cái là ở chỗ một khu lò gốm sứ đầu tiên được sản xuất trên đất Việt Nam, mà chủ lò, thợ lò, nguyên liệu và kỷ thuật sản xuất đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu là phục vụ nhân dân Việt Nam nên kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí tuy có phảng phất truyền thống gốm sứ Trung Quốc, song cũng có rất nhiều nét Việt Nam, dễ dàng phân biệt với đồ sứ Trung Quốc cùng thời.