Hội làng Bát Tràng

07/04/2016 5398
Bát Tràng là một làng cổ nằm ở bờ bắc sông Hồng, nay thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm. Hơn 600 năm trước, có người họ Nguyễn từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa) đến đây lập nghiệp.

Tiếp đó, 5 cụ họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn đem gia đình đến vùng 72 gò đất trắng lập phường sản xuất gốm gọi là Bạch Thổ phường. Trải theo năm tháng, nghề gốm ngày càng phát đạt và những người ở Bồ Bát (Ninh Bình) kéo ra ngày càng đông. Vào thời cuối Lê, làng Bát Tràng đã có 20 họ. Cùng với sản xuất gốm sứ, làm ruộng, buôn bán, việc học ở làng cũng được người dân hết sức coi trọng.

 

Trong hơn 5 thế kỷ, dưới thời học chữ Nho, Bát Tràng có 364 người đỗ đạt, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1586), 8 người đậu tiến sĩ cùng nhiều quan võ.Ban đầu, làng chỉ có một ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre ở ngoài bãi sông. Năm 1720, đình được làm với quy mô lớn. Đình xây kiểu chữ nhị, phía trong là tòa hậu cung 3 gian; phía ngoài là tòa đại bái 5 gian 2 chái. Cột đình bằng gỗ lim người ôm không hết vòng tay. Gian giữa thấp bày hương án. Các gian bên đều lát gỗ thành bục cao. Mặt đình hướng ra sông Hồng. Trong kháng chiến, đình đã bị bom Mỹ phá hủy.

Năm 1993, dân làng đã góp tiền của dựng lại đình theo kiến trúc truyền thống. Tại đình còn giữ được một số đồ tế khí như ngai thờ, bát bửu, chuông đồng, kiệu bát cống, hai biển gỗ tạo vào thời Minh Mạng, cùng nhiều hoành phi, câu đối cỡ lớn, mỗi chữ có thể coi là một tác phẩm thư pháp độc đáo. Đình Bát Tràng còn giữ được 50 đạo sắc phong thần có niên đại thời Lê, thời Tây Sơn, thời Nguyễn.

Bát Tràng là một điểm tụ cư, vì thế ngoài Thành hoàng bản địa, nhân dân nơi khác đến cũng rước thành hoàng cũ của mình đến thờ. Đó là thần Bạch Mã Đại vương; Trang Thuận Nghi Dung; Phan Đại tướng…Trước đây, Bát Tràng vào đám từ ngày 15 đến ngày 22 tháng hai âm lịch. Trước Tết, vào ngày 25 tháng Chạp, làng đem lễ vật đến làng Đuốc (làng kết chạ với Bát Tràng) xin chặt tre làm cây nêu.

Ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây tre làm nêu được dùng để chẻ tăm, vót đũa. Trước khi vào đám độ 10 ngày, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng để bao sái bài vị thần ở ngôi miếu bên sông. Sau đó dân làng rước bài vị thần ra đình tế lễ. Khi tế, các họ được rước Tổ của mình ra phối hưởng. Họ Nguyễn Ninh Tràng (họ đầu tiên đến làng Bát Tràng) được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Khi tế, chỉ có các vị khoa mục (những người đỗ đạt) mới được vào đình, còn các hào mục (những chức dịch trong làng) đứng ngoài hầu lễ. Bát Tràng còn lệ giữ nghiêm ngôi thứ. Tại đình trải 4 chiếu cạp điều.

Có chiếu dành cho các vị đậu tiến sĩ, có chiếu dành cho võ quan được phong tước công, có chiếu dành cho các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Có năm không đủ người, chiếu nào trống thì làng đặt một cây đèn, chai rượu, đĩa trầu cau vào giữa chiếu để thờ vọng. Hằng năm vào ngày Rằm tháng hai, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ cúng Thành hoàng gồm một con trâu tơ thật béo, thui vàng rồi đặt lên một chiếc bàn lớn sơn son, kèm theo 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Tế xong, các quan viên chức sắc, đại diện 20 dòng họ cùng thụ lộc.

Hội Bát Tràng có nhiều trò diễn, độc đáo nhất là trò chơi cờ người và hát thờ. Theo lệ, trước hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình.

Công việc chuẩn bị cho hát thờ cũng công phu không kém. Làng tổ chức 3 chầu thi và 4 chầu cầm để chọn bài và người vào hát thờ, sau đó mời các đội đàn hát ở các làng xung quanh đến tập để kén giọng. Đội nào vượt lên nhất qua “4 chầu cầm” sẽ được hát thờ trong lễ hội năm đó.Hội làng năm Giáp Thân diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng hai âm lịch. Cùng với nghi lễ rước nước, tế lễ và các trò chơi dân gian, làng nghề sẽ trưng bày những sản phẩm gốm đặc sắc nhất của mình tại “Chợ gốm Bát Tràng” nằm ở vị trí trung tâm của làng.